Những mối nguy khi mang thai mà mẹ bầu cần biết

Những mối nguy khi mang thai mà mẹ bầu cần biết

Khi mang thai, các mẹ bầu cần phải đề phòng mọi mối nguy cho cả mẹ lẫn bé. Có thể nói thai kỳ chính là giai đoạn khó khăn nhất đối với phụ nữ. Nếu không nhận biết kịp thời hoặc không biết phòng tránh thì sẽ rất nguy hiểm. Suốt quá trình này, sẽ đầy sóng gió, chỉ cần một sự bất thường cũng có thể nguy hại đến tính mạng của thai nhi và thai phụ. Tuy nhiên, chỉ cần hiểu biết và phát hiện kịp thời, bạn vẫn có thể xử lý triệt để. Tính mạng, sức khỏe của mẹ bầu và bé vẫn sẽ được an toàn.

Để nhận biết những sự bất thường này là việc hoàn toàn không hề dễ. Do đó GAZ muốn chia sẻ một số kinh nghiệm, kiến thức cho các mẹ bầu. Hãy tiếp tục theo dõi phần nội dung sau để hiểu rõ hơn nhé.

Những mối nguy bất thường trong thai kỳ

Dưới đây là những bất thường khi mang thai có tính chất nguy hiểm mẹ bầu cần đề phòng:

Sảy/hư thai – Mối nguy đến tính mạng thai nhi

Sảy thai luôn là một mối nguy nổi tiếng và đáng sợ nhất. Đây là tình trạng thai nhi hoàn toàn ngừng phát triển trước tuần thai kỳ thứ 20. Thậm chí việc sảy thai có thể diễn ra trước khi mẹ bầu nhận biết được bản thân đã có thai. Có trường hợp trứng vừa gặp tinh trùng thì lại bị đào thải và xuất hiện tình trạng chảy máu. Nhiều chị em vẫn nghĩ đó là kinh nguyệt bình thường chứ không phải thai bị hư.

Sảy thai luôn là mối nguy đáng lo ngại nhất với các mẹ bầu.

Những trường hợp sảy thai khác thường có dấu hiệu ra máu âm đạo bất thường, đau lưng dữ dội, không còn tim thai… Nếu sảy thai 3 tháng đầu thường do bất thường về gen nên thai sẽ tự ngừng phát triển để sau này không sinh ra một cá thể khuyết tật, dị tật.

Ngoài ra, cũng có trường hợp sảy thai do sức khỏe của người mẹ, mẹ mắc các bệnh mãn tính hay do sự bất thường tử cung như hở eo tử cung, tử cung có sừng, tử cung có vách ngăn… Có một số trường hợp, mẹ bị sảy thai do tiếp xúc với hóa chất độc hại hoặc uống thuốc có hại.

Đa số mẹ bầu bị sảy thai đều không ảnh hưởng đến lần mang thai tiếp theo. Tuy nhiên, nếu biết mình sảy thai, mẹ nên đi khám để đảm bảo không còn sót nhau thai và để chống ra máu kéo dài.

Mang thai ngoài tử cung – Mối nguy cho cả mẹ và bé

Một trong những bất thường khi mang thai nữa đó là tình trạng chửa ngoài tử cung. Thông thường, sau khi trứng được thụ tinh sẽ di chuyển đến tử cung để làm tổ. Vì lý do nào đó, sự làm tổ không diễn ra trong tử cung mà làm tổ ở ống dẫn trứng hay trong ổ bụng thì được gọi là chửa ngoài tử cung.

Chửa ngoài tử cung là dấu hiệu mang thai hết sức nguy hiểm vì những vị trí khác không có đủ điều kiện cũng như chức năng để nuôi lớn thai nhi nên phôi thai sẽ tự ngừng phát triển hoặc mẹ bầu phải sử dụng biện pháp can thiệp để đình chỉ thai nghén.

Mang thai ngoài tử là trường hợp cực kỳ nguy hiểm.

Tình trạng chửa ngoài tử cung thường gặp ở những mẹ bầu bị dị tật ống dẫn trứng, đã từng phẫu thuật vòi trứng, hẹp ống dẫn trứng với các biểu hiện như:

– Chậm kinh: Vì cũng là mang thai nên mẹ bầu sẽ gặp phải hiện tượng chậm kinh. Tuy nhiên, nếu chu kỳ của mẹ dài và không đều thì khó phát hiện sớm.

– Đau bụng: Thường đau tại vị trí thai làm tổ, đau bụng dưới và đôi khi kèm theo mót rặn.

– Ra máu âm đạo bất thường: Máu ra trước hoặc sau ngày dự kiến hành kinh, ra kéo dài trong nhiều ngày và có màu đỏ sẫm hoặc loãng hơn máu kinh bình thường.

Hỏng trứng – Chửa trứng

Thông thường, trứng sau khi được thụ tinh sẽ phân chia để cấu trúc thành thai và các phần phụ của thai như túi ối, rau thai… Sự phát triển giữa những thành phần này phải tương ứng với nhau để thai nhi có thể phát triển bình thường.

Tuy nhiên, có những trường hợp phần tế bào nuôi để trở thành gai nhau phát triển quá nhanh. Việc này khiến cho tổ chức liên kết và mao mạch của mạch máu rốn phát triển chậm hơn. Từ đó khiến gai rau bị thoái hóa, tạo thành các túi chứa dịch dính sát vào nhau như chùm nho.

Sự bất thường này làm trứng hỏng nhưng gai rau vẫn được nuôi dưỡng nên tiếp tục hoạt động, gây ra hiện tượng chửa trứng.

Cho đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây hiện tượng chửa trứng. Nhưng có một vài yếu tố làm tăng nguy cơ mắc hiện tượng này là tuổi tác của mẹ, thiếu chất dinh dưỡng, sinh đẻ nhiều lần…

Triệu chứng của hiện tượng chửa trứng là ra máu, nghén nặng, siêu âm thấy tử cung to, không tương xứng với tuổi thai, không nghe thấy tim thai, thấy có hình lỗ chỗ trong khối rau… Trường hợp chửa trứng xét nghiệm nước tiểu thấy nồng độ HCG cao.

Nếu thấy nghi ngờ, mẹ bầu nên đi siêu âm sớm. Trường hợp đúng là chửa trứng thì cần lấy trứng ra càng sớm càng tốt để hạn chế sảy trứng gây chảy máu nhiều và có thể phát triển thành ác tính vô cùng nguy hiểm.

Sinh thiếu tuần (Sinh non)

Trong thời gian mang thai, việc những cơn co thắt xuất hiện thường xuyên và đều đặn sẽ giúp cổ tử cung giãn ra và mở rộng trước 37 tuần thai. Nếu bạn sinh con trước thời điểm 37 tuần thai, bé sẽ được gọi là sinh non (thiếu tháng). Việc sinh non ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của bé. Có thể bé sẽ không được phát triển đầy đủ. Thậm chí trẻ sinh ra sẽ đối mặt với những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Trẻ sẽ kém khỏe mạnh hơn nếu bị sinh non.

Một vài triệu chứng cảnh báo tình trạng sinh non dễ thấy là:

  • Tăng tiết dịch âm đạo cao hơn bình thường
  • Dịch tiết âm đạo thay đổi có thể có máu
  • Có hơn 4 cơn co thắt trong một giờ và có thể có hoặc không có đau bụng, chuột rút
  • Tăng áp lực ở vùng chậu, người mẹ sẽ có cảm giác như em bé đang được đẩy xuống
  • Đau thắt lưng có khi âm ỉ, có khi cũng xảy ra liên tục

Nếu bạn từng sinh non và gia đình đang chờ đón thành viên nữa thì việc chăm sóc thai kỳ một cách chu đáo nhằm chuẩn bị sức khỏe tốt nhất cho cả mẹ lẫn con là điều mà bạn nên quan tâm.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi mang thai, nếu gặp phải những dấu hiệu bất thường dưới đây; mẹ bầu cần đi khám ngay tại cơ sở y tế uy tín. Bạn sẽ được chẩn đoán chính xác tình hình và đưa ra phương pháp xử trí hiệu quả:

  • Âm đạo chảy máu bất thường hoặc có đốm dịch nhầy màu hồng
  • Đau bụng âm ỉ, dai dẳng
  • Thai nhi không có tim thai hoặc không cử động gì trong suốt 24 giờ sau khi đã được 20 tuần tuổi
  • Chóng mặt, ngất xỉu, cảm giác lâng lâng
  • Rối loạn thị giác như mờ mắt hoặc thấy ảo ảnh
  • Dấu hiệu nhiễm trùng như sốt, ớn lạnh

Nguồn: hongngochospital.vn