Tai nạn bỏng ở trẻ em và những điều cần làm để phòng tránh

Tai nạn bỏng ở trẻ em và những điều cần làm để phòng tránh
Bỏng là tai nạn thường xuyên xảy ra trong suốt quá trình sinh hoạt và làm việc của con người. Bỏng gây ra nhiều thương tích, tùy độ nặng nhẹ khác nhau. Tuy nhiên, nó rất nguy hiểm và để lại những dấu chứng sau này. Thế nhưng những năm gần đây, tai nạn bỏng dường như xảy ra nhiều hơn. Đáng quan ngại là hơn một nửa nạn nhân lại là trẻ em. Điều này thực sự rất nguy hiểm. Trẻ em với tình tò mò, nghịch ngợm, dễ mất kiểm soát với những hành động của mình nên dễ bị bỏng. Ngoài ra còn do sự bất cẩn của cha mẹ. Vì thế nên các bậc cha mẹ cần phải có những biện pháp bảo vệ con mình khỏi tai nạn bỏng tốt nhất.

Bỏng ở trẻ em nguy hiểm như thế nào?

Cơ thể của trẻ em chưa hoàn toàn phát triển. Lớp da cũng như thế. Da trẻ em mỏng hơn rất nhiều so với da người lớn, có thể là mỏng hơn 2.5 lần. Lớp da tế bào có hạt sừng và sừng hóa rất mỏng. Lớp mầm thì lại rất dày. Vì thế nên các lớp da sâu bên trong không được che chở một cách tốt nhất. Dễ hiểu vì sao bỏng do sức nhiệt ướt cũng gây được bỏng sâu ở trẻ em.

Da của trẻ còn rất yếu

Tỷ lệ nước trong mô tế bào da trẻ em nhiều hơn người lớn, do đó dễ thấy hoại tử khô chuyển thành hoại tử ướt. Mặt khác, khả năng biểu mô hóa từ mép da lành ở trẻ em tốt hơn so với người lớn (chiều dài của sự lan mọc biểu mô tới 5-6cm so với người lớn chỉ là 3-4cm).

Nguyên nhân gây ra tai nạn bỏng ở trẻ em

Hầu hết tai nạn bỏng ở trẻ em, nhất là trẻ nhỏ từ 1-3 tuổi đều do sự bất cẩn của người lớn, vì ở độ tuổi này trẻ chưa nhận thức được những nguy hiểm xung quanh. Cha mẹ, người lớn trong gia đình mải làm việc hoặc chính bản thân một số cha mẹ cũng không nhận thức được những nguy cơ gây bỏng bất ngờ cho trẻ như: đặt bát canh nóng gần chỗ trẻ chơi, đặt nồi cơm điện đang sôi dưới nền nhà, để đèn dầu ngay đầu giường,…

Trong những tình huống này, chỉ cần một phút cha mẹ quay đi, trẻ nhỏ đã bất ngờ bị bỏng (trẻ tò mò thò tay vào bát canh đang bốc khói, lấy tay bịt hơi nồi cơm điện đang sôi, trẻ đang ngủ tỉnh dậy tự bò ra khỏi giường và vướng vào đèn dầu gây bỏng lửa,…).

Nguyên nhân gây ra tai nạn bỏng ở trẻ em

Cách phòng tránh tai nạn bỏng cho trẻ em

Để phòng tránh, cha mẹ cần luôn chú ý giám sát trẻ. Tuyệt đối không cho trẻ đến gần những nơi có nguy cơ gây bỏng như bếp lửa, gần than củi đốt, nồi bỗng rượu, nồi cám lợn, đèn dầu,… Để phích nước sôi, thức ăn mới nấu, bàn là đang nóng, bật lửa,… ở nơi trẻ không sờ hoặc với tới được. Sắp xếp đồ đạc mọi thứ quanh nhà hợp lý. Tất cả đồ vật dễ gây cháy nổ, bỏng phải để xa tầm tay trẻ em.

Bố trí bếp và nơi nấu ăn phẳng, cao để trẻ không với tới được hoặc có vách ngăn không cho trẻ tới gần. Khi nấu ăn luôn quay cán xoong, chảo vào phía trong. Không để trẻ nhỏ tự ăn, tự tắm vòi nước nóng lạnh, luôn kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tắm cho trẻ. Khi bê nước nóng, thức ăn mới nấu tránh xa trẻ để không va đụng. Kiểm tra nhiệt độ của thức ăn, đồ uống trước khi cho trẻ ăn, uống… Trong tủ thuốc phải trang bị bông, gạc, băng, thuốc oresol… để dùng  khi có người bị bỏng.

Những sai lầm cần tránh khi sơ cứu

Tai nạn bỏng ở trẻ em nguy hiểm hơn người lớn rất nhiều. Bởi sức đề kháng của trẻ còn kém, dễ nhiễm trùng. Sơ cứu ban đầu ở nhà khi trẻ bị bỏng là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho vết thương không bị ăn sâu vào bên trong và tránh tình trạng bội nhiễm.

Những sai lầm cần tránh khi sơ cứu

Biện pháp sơ cứu ban đầu rất đơn giản là ngâm vùng bỏng vào nước lạnh hoặc vòi nước sạch càng sớm càng tốt. Ngâm trong thời gian khoảng 20- 30 phút. Chú ý không được xối mạnh vì có thể làm trợt da gây đau đớn. Che phủ vùng bỏng bằng gạc vô khuẩn hoặc vải sạch. An ủi trẻ. Cho trẻ uống nhiều nước, nước oresol và đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế. Tuyệt đối không được dùng nước mắm, giấm, kem đánh răng,… hoặc các loại thuốc mỡ bôi để đắp lên vết bỏng…

Để bảo vệ sức khỏe gia đình bạn một cách tốt nhất, hãy cùng tham khảo thêm nhiều bài viết khác nhé!

Nguồn: suckhoedoisong.vn